Đừng thay đổi thế giới- Câu chuyện về nuôi dạy con cha mẹ nên đọc.

(Câu chuyện này có thật). Có một gia đình nó khá giầu có. Họ có duy nhất một cậu con trai, và tất nhiên họ rất cưng chiều, quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện và cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cậu bé. Khi cậu bé vào học cấp 1, có rất nhiều vấn đề đã xảy ra với cậu. Vốn rất coi trọng giáo dục nên cha mẹ cậu đặc biệt chú trọng đến việc chọn trường, chọn chương trình học, chọn giáo viên, chọn môi trường học tập cho cậu. Kết quả là sau 3 năm, cậu nhỏ đã phải chuyển trường đến 12 lần. Cậu trở nên mêt mỏi, chán nản, kiệt sức và thậm chí từ chối đến trường. Lý do là cha mẹ cậu không hài lòng với bất kỳ ngôi trường nào mà con trai học đã theo học. Trường công thì chương trình quá nặng và cổ lỗ sỹ (theo lời bà mẹ), vừa mệt mỏi vừa không theo kịp những thay đổi bên ngoài. Trường tư thì có trường quá chú trọng đến hoạt động bên ngoài, xa rời chương trình khung cơ bản, có thể gây khó cho trẻ khi thi cử theo chương trình chung. Trường quốc tế có thể khiến trẻ mất bản sắc dân tộc, không được giáo dục các giá trị tốt đẹp cổ truyền, xa rời môi trường cuộc sống thực tại xã hội. Trường thì giáo viên quá khắt khe, trường khác thì giáo viên quá dân chủ, đôi khi quá dễ dãi khiến trẻ không có khuôn phép... Tóm lại là vì thế đứa trẻ phải chuyển trường liên tục và không đủ thời gian đế thích nghi với bất kỳ môi trường nào.

Cuối cùng ông bố và bà mẹ tìm đến người bạn phổ thông và giờ là chuyên gia giáo dục để được tư vấn và cho lời khuyên. Nghe xong câu chuyện, chuyên gia không đưa ra lời tư vấn nào cả mà chỉ kể cho đôi vợ chồng người bạn một câu chuyện siêu ngắn. Câu chuyện như sau.

đừng thay đổi thế giới, hãy thay đổi mình


Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai trị một đất nước thịnh vượng. Một ngày nọ, anh đi du lịch đến một số vùng xa xôi của đất nước mình. Đất nước mình thật đẹp, có núi cao, có sông sâu, có biển cả bao la, có đồng bằng mênh mông, có thảo nguyên bát ngát. Có nơi tràn ánh nắng, có chỗ lãng đãng sương mù, có nơi có cả bốn mùa xuân -hạ-thu-đông tron cùng một ngày... Nhà vua càng yêu đất nước mình hơn. Nhưng khi trở về cung điện, ông phàn nàn rằng chân ông rất đau vì đây là lần đầu tiên ông đi một chuyến đi dài như vậy và tất nhiên không phải con đường nào cũng dễ đi. Có rất nhiêu con đường rất gồ ghề nhiều sỏi đá, có cả những con đường lởm chởm những mũi đá tai mèo sắc nhọn, chúng đã cứa tóe máu bàn chân của vua biết bao nhiêu lần. Chính vì lẽ đó, sau đó vài ngày nghỉ ngơi để lại sức, ông ra lệnh cho người dân của mình trải da trên mọi con đường trên khắp đất nước.

Bạn có thể tưởng tưởng ra không, trải da trên khắp mọi nẻo đường. Chắc chắn việc này sẽ cần đến hàng ngàn tấm da bò và sẽ tốn một khoản tiền rất lớn. Và tất nhiên, dân chúng sẽ phải đóng góp bằng những tấm da của những chú bò, châu, ngựa, thậm chí là voi của mình.

Các quan trong triều đình lo ngại về tính khả thi của dự án, nhưng không ai lên tiếng can ngăn, phần vì sợ vua, phần vì thấy lợi ích tiềm tàng của mình ở đó. Chỉ có một người hầu của nhà vua, vì sợ mất con bò duy nhất của nhà mình đã dám dũng cảm đánh liều tự mình nói với nhà vua: “Tại sao ngài phải tiêu số tiền không cần thiết đó hỡi vua anh minh? Tại sao ngài không cắt một miếng da nhỏ để lót bàn chân và che cổ chân ngà ngọc của mình?”

Nhà vua rất ngạc nhiên về ý tưởng đó nhưng sau đó ông cũng đồng ý. Và thế là chiếc “giày” đầu tiên trên thế giới ra đời.

Bài học cuộc sống

Bạn không thể thay đổi cả thế giới để phù hợp với bạn hay con bạn, ít nhất là với khả năng của tôi và bạn lúc này.

Bạn cũng không thể chuẩn bị mọi con đường để cho con ban bước đi. Và ngay cả khi bạn có thể làm được điều đó, thì cùng lắm con bạn cũng chỉ đi trên con đường và giới hạn của cha mẹ mình.

Làm cha mẹ không phải là chuẩn bị con đường cho con bước mà là chuẩn bị đôi chân để con có thể bước trên mọi con đường.

Để biến thế giới này thành một nơi hạnh phúc để sống, tốt hơn hết bạn nên thay đổi chính mình- đôi chân của bạn, bàn tay của bạn, khối óc của bạn, trái tim của bạn, chứ không phải là thế giới.


Comments