Một cách dạy trẻ về LÒNG BIẾT ƠN tuyệt vời mà mọi cha mẹ đều nên đọc.

 

Một cậu bé 6 tuổi đang dằn dỗi với mẹ trong bữa ăn vì mẹ cậu không cho cậu xem film hoạt hình trên điện thoại. Câu bé đẩy những đĩa thức ăn ra xa mình, khoanh tay nhìn mẹ và nói: "Những thứ này thật tệ, con không thể ăn nổi." Cậu cũng phàn nàn rằng cậu quá thiệt thòi khi không có điện thoại riêng, đồ chơi điện tử riêng như những bạn khác. Mẹ cậu ban đầu dỗ dành con trai hãy "ăn hết phần thức ăn của con rồi ra vườn chơi dưới những tán cây và nghe chim hót” nhưng cậu bé vẫn tiếp tục dằn dỗi. Bà mẹ dẹp hết thức ăn sang một bên rồi nói: “Con có thể ăn hoặc không nhưng con sẽ không được chơi điện thoại trong khi ăn. Có lẽ con không có lòng biết ơn với những gì con có. Và đó cũng là lỗi của mẹ khi không dạy cho con về điều này”. Nghe đến đó cậu bé hào hứng: “Thế lòng biết ơn là gì hả mẹ, hãy kể nó cho con nghe đi”. Bà mẹ xoa đầu cậu con nhỏ và nói. “được rồi, mẹ sẽ kể con nghe một câu chuyện rất ngắn và sau đó ăn hay không là quyền của con”

Và bà mẹ bắt đầu kể

một cách dạy trẻ về lòng biết ơn


Có một cậu bé 6 tuổi bị mù bẩm sinh, tức là cậu sinh ra đã không thể nhìn thấy gì. Cậu không biết bố mình là ai và mẹ cậu cũng là một phụ nữ mù như thế. Vì vậy gia đình cậu rất nghèo, không có nhiều thức ăn để ă và tất nhiên cậu không có điện thoại và nhiều đồ chơi. Hằng ngày cậu bé mù ngồi trên bậc thềm của một tòa nhà với chiếc mũ ở dưới chân. Cậu để một tấm biển có dòng chữ: “Tôi bị mù, xin hãy giúp đỡ.”

Những người dân địa phương và cả du khách đi bộ qua tòa nhà này đôi khi nhìn thấy cậu, họ nhìn thấy tám biển bên cạnh cậu và có người dừng lại bỏ một vài đồng xu nhỏ vào chiếc mũ. Cũng có rất nhiều người đi qua nhìn thấy cậu bé và tấm biển lặng lẽ đó nhưng họ không bỏ gì vào trong mũ của cậu cả. Họ đi qua cậu như đi qua một bốt điện hay một tảng đá vậy thôi. Có thể họ đã quen như thế hoặc cũng có thể họ vội vã. Cậu bé thì vẫn thế, lặng lẽ như tấm biển ở cạnh mình. Và mỗi ngày cậu lại trở về căn phòng trọ với người mẹ mù của mình với những đồng xu ít ỏi chỉ đủ để sinh sống qua ngày.

Một hôm có một người đàn ông ăn mặc lịch sự đi ngang qua nơi cậu bé mù ngồi, ông nhìn thấy cậu và tấm biến. Ông dừng lại, lấy một số đồng xu và bỏ vào trong mũ cho cậu. Và ông nhận thấy dù đã xế chiều nhưng số tiền trong chiếc mũ quá ít ỏi. Ông nhìn cậu bé hồi lâu rồi sau đó ông lấy tấm biển, xoay nó lại và viết vài chữ. Sau đó, ông đặt lại tấm biển vào tbên cạnh cậu bé để bất cứ ai đi ngang qua đều có thể nhìn thấy những từ mới.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra, từ khi có dòng chữ mới hầu như những người đi qua đây nhìn thấy cậu bé và tấm biển đều dừng lại và bỏ tiền vào trong chiếc mũ. Và thậm chí nhiều người còn bỏ vào đó cả những đồng tiền có mệnh giá lớn hơn. Chẳng mấy chốc chiếc mũ bắt đầu đầy. Ngày hôm đó cậu bé có được số tiền nhiều nhất từ trước đến nay.

Chiều hôm sau đó, người đã thay chữ trên tấm biển quay lại xem mọi chuyện thế nào. Cậu bé nhận ra bước chân của ông nên hỏi: “Có phải ông là người đã thay biển hiệu hôm qua cho cháu không? Cháu đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người nhất từ trước tới nay. Tạ ơn ông và cháu muốn biết ông đã viết gì lên tấm biển?

- Ông ấy đã viết gì lên tấm biển hả mẹ, tại sao dòng chữ đó lại có sức mạnh kỳ diệu thế- cậu bé háo hức đến mức cắt ngang lời mẹ. Con muốn biết dòng chữ đó.

- Ông ấy chỉ viết lại sự thật như tấm biển cũ thôi, nhưng theo cách khác. Người mẹ mỉm cười. Thay vì dòng chữ “Tôi bị mù, xin hãy giúp đỡ.” Ông ấy đã viêt lại là “Hôm nay là một ngày đẹp trời nhưng tôi không thể nhìn thấy được”.

- Vẫn là nội dung giống nhau mẹ ơi, nhưng sao hiệu quả lại khác, con chưa hiểu. Cậu bé băn khoăn.

- Đúng thế, tấm biển vẫn nói rằng sự thật là cậu bé bị mù. Nhưng tấm biển ban đầu chỉ khiến người ta thương hại cậu bé, và họ có thể hành động, có thể không. Nhưng tấm biển thứ hai đã làm cho mọi người nhận ra rằng họ thật may mắn biết bao. Họ được ban cho đôi mắt để nhìn, đôi chân để đi, công việc để kiếm tiền, gia đình để chăm sóc, nhà để về... trong khi cậu bé hoàn toàn không có điều đó. Vì thế họ cảm thấy biết ơn cuộc sống đã cho họ những điều lớn lao như thế. Họ thấy trân trọng những gì họ đang có hơn. Họ cảm thấy mình cần phải biết ơn, thực sự biết ơn về những điều vô cùng to lớn đó. Họ cần phải trả ơn cho những ân điển mà mình có được. Và họ để lại những đồng tiền vào mũ của cậu bé như là cách để trả ơn cuộc đời vì những gì họ đang có. Đó không phải vì lòng thương hại cậu bé, đó là vì họ chợt nhận ra học cần biết ơn vì những gì họ có.

Cậu bé im lặng thật lâu rồi nắm tay mẹ: "Con hiểu rồi mẹ ơi, con cần biết ơn vì con có thức ăn để ăn, có mắt đẻ nhìn, có nhà để ở, có đồ chơi để chơi, có mẹ nữa… vì thế con cần trân trọng và tri ơn vì điều đó. Con thật chưa ngoan vì đã không làm thế…"

Bà mẹ xoa đầu cậu bé âu yếm nói: “con không có lỗi, chỉ vì con chưa biết thôi. Và thậm chí nhiều người lớn đôi khi cũng lãng quên điều đó. Quan trọng là khi biết rồi hãy nhớ và thực hiện mỗi ngày”

- Vâng ạ. Cậu bé vui vẻ trả lời và chạy lại bàn ăn ăn nốt bữa ăn một cách ngon lành để còn có thể ra vườn nơi hứa hẹn rất nhiều niềm vui.

Bài học cuộc sống.

Một câu chuyện phù hợp luôn là một cách hữu hiệu để dạy trẻ ngay cả những điều dường như khó dạy.

Khi cuộc sống của bạn dường như đầy rẫy những rắc rối, thật khó để duy trì thái độ biết ơn phải không? Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là những vấn đề của mình, giống như một đám mây bão đen kịt phủ bóng tối lên cuộc đời chúng ta.

Và những lúc mà mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ? Chúng ta cũng thường coi những khoảnh khắc quý giá này là điều đương nhiên phải không? Bị cuốn vào niềm hạnh phúc, thoải mái và quen thuộc với tất cả những điều đó, chúng ta có thể đơn giản quên mất lòng biết ơn.

Hãy luôn nhớ đến nó, thực hành nó không chỉ cho người khác mà để là tấm gương cho con cái chúng ta vì lòng biết ơn của con như thế nào cũng sẽ là thước đo cuộc chất lượng cuộc sống của chúng ta sau này


Comments