Nhà sư đi Rolls Royce và tỳ kheo khổ hạnh.

 



Nhà sư đi Rolls Royce và tỳ kheo khổ hạnh, ai sẽ tác động đến sự phát triển tâm linh cho phật tử?

Đối với những phật tử tìm đến phật giáo, tìm đến chùa, tìm đến các nhà sư để mong muốn được chiếu rọi ánh sáng của phật giáo vào tâm hồn mình, để tìm sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn, để có được cái nhìn thông tuệ, sáng suốt về cuộc sống, thật dễ dàng để nhớ, để thuộc rằng điều quan trọng là phải rũ bỏ được những chất độc trong tâm hồn mình đó là tham, là sân, là si, là sự đố kỵ, lòng hẹp hòi... Đó là những điều cơ bản nhất, ai cũng có thể nói nó ra một cách sâu sắc, bởi nó có ở trong sách và họ đã được nghe nhiều đến nó hoặc đọc nhiều về nó. Điều đó chưa hẳn là hiểu nó hay phát triển về nhận thức tâm linh.

Và khi người ta được nhìn thấy, được chứng kiến hay được bắt gặp hoặc may mắn hơn được đứng gần, được nghe từ một vị sư khổ hạnh (vì thời nay hiếm có), thật dễ dàng để người ta có cảm giác rằng mình đã có đầy đủ những phẩn chất của một người lương thiện, thậm chí là có phật tính. Đó là cơ hội lớn để một người đột nhiên nhận thấy không có trong mình nữa những chất độc tham, sân, si, đố kỵ, hẹp hòi.

Người ta làm sao thấy được lòng tham của mình khi đứng trước một người không có gì ngoài một bát, ba y. Dù ta có nghèo đến đâu thì ta cũng đang đang có nhiều hơn thế. Lòng tham không thể khởi lên trong ta lúc đó. Chúng ta làm sao có thể sân hận được trước một người như nhà tu hành khổ hạnh, người không xâm phạm lợi ích của ta, không đòi hỏi gì từ ta, không xúc phạm ta, không làm điều gì sai trái với ta. Làm sao ta có cơn giận dữ, sự nóng nảy, thù hận khi đứng trước người ấy. Chúng ta làm sao có thể đố kỵ với một người như thế, hình ảnh của họ chỉ khởi lên trong tâm ta rằng ta đang có nhiều hơn những gì ta xứng đáng. Và trước một người như thế ta dễ dàng để cho đi, một chút cơm chay, một chai nước mát, một tấm vải thô, và ít nhất cũng là một lời nguyện cầu tốt đẹp… Ta thấy mình thật thánh thiện. Ta chợt thấy trong ta tràn đầy phật tính. Đó quả thực là một liều thuốc, một sự chữa lành. Và trong cơn say của những lời giảng cuốn hút, thật dễ dàng để cảm thấy rằng chúng ta có thể loại bỏ chúng, bỏ đi lòng tham lam, bỏ đi sự sân hận, rũ bỏ sự si mê, đố kỵ để trở nên trắc ẩn hơn, từ bi hơn, trí tuệ hơn, bao dung hơn. Chúng ta như mê di trong cái cảm giác thanh khiết đó. Chính vì lẽ đó, những vị tỳ kheo tu hành khổ hạnh luôn có sức cuốn hút đối với đám đông, những người có nhu cầu được chữa lành, có nhu cầu được thấy mình thanh khiết hay đầy phật tính, luôn là như vậy

Nhưng bây giờ dừng lại một chút để tôi thay đổi bối cảnh!

Bây giờ hãy tưởng tượng, có một sự thay đổi bối cảnh, vẫn là đám đông pật tử đó, nhưng trước mặt họ, đến với họ là một ngài sư béo tốt, khuôn mặt xôi thịt, ăn vận sang trọng, được một đáng đông tháp tùng hùng hậu và bước xuống từ một chiếc Rolls Royce đắt tiền nhất lúc này. (tôi lấy ví dụ Rolls Royce vì tôi chỉ biết loại này nó đắt tiền!)

Sẽ là một không khí khác. Rất khác.

Ngài ta bắt đầu nói. Nói gì không rõ. Có thể là nói tất cả những điều y hệt như nhà tu hành khổ hạnh kia nói. Nhưng sẽ có bao nhiêu người nghe?

Sẽ có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ qua những lời mà họ đã vừa cho là qúy giá chỉ để dành thời gian ngắm chiếc Rolls Royce. Sẽ có bao nhiêu người si mê với chiếc xe có giá bằng cả gia tài nhiều đời tích cóp của họ. Có bao nhiêu người khởi lên trong tâm trí mong muốn có được chiếc xe đó. Có bao nhiêu người trong số chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ mọi ham muốn về chân lý, về tình yêu, về sự phát triển tâm linh để có một chiếc Rolls Royce như thế. Và sau cùng, sẽ có bao nhiêu người đặt ra câu hỏi, vị sư này làm gì, có năng lực gì, có công trạng gì để có thể có cho mình chiếc xe đó. Ông ta có ý gì khi luôn miệng giảng dạy về buông xả, về từ bỏ vật chất xa hoa, về cuộc sống khổ hạnh, về con đường giải thoát khi mà chính ông ta đang sở hữu một chiếc Rolls Royce???

Sẽ không có ai nghe điều mà vừa rồi thôi người ta còn coi là quý giá.

Và tất cả những điều đang xảy ra trong đầu họ, những cá nhân trong đám đông ấy, có phải là tham, là sân, là si, là đố kỵ, thậm chí là hận thù???

Chiếc xe Rolls Royce không tạo ra lòng tham, sự đố kỵ trong lòng của bất kỳ ai trong đám đông đó, nó chỉ đơn giản là đập bỏ lớp mặt nạ, xóa bỏ sự che đậy, sự kìm nén trong họ và khiến những người đó nhận ra rằng họ thực sự muốn một chiếc Rolls Royce hơn là sự giác ngộ. Chiếc xe Rolls Royce đã khiến họ thực sự nhận ra rằng, lòng tham lam, sự đố kỵ, tính hẹp hòi đang tồn tại trong họ đậm đặc hơn bao giờ hết. Họ không thanh khiết như họ nghĩ, họ không thánh thiện như họ tưởng họ là.  Sự nhận ra này sẽ là một bước cơ bản, quan trọng, như một sự khởi đầu để hướng tới sự giác ngộ, bởi vì nó sẽ khiến họ nhận thức được thực tế của chính mình, lòng tham của mình.

Chức năng của một bậc thầy rất kỳ lạ. Ông ấy phải giúp bạn hiểu được cấu trúc ý thức bên trong của bạn: nó đầy sự đố kỵ. Và tất cả các vị tì kheo tu hành khổ hạnh sẽ sống theo cách mà bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đố kỵ với ông ấy. Họ, những vị tỳ kheo ấy không khiến cho bạn nhận thức đúng về chính bản thân mình. Hãy lưu ý điểm đó.

Chính vì thế, để có thể là một cú hích hay một điểm kích thích cho con người hướng tới sự phát triển về mặt tâm linh, để hướng đến sự tu dưỡng thì ông sư đi xe Rolls Royce đã làm được điều này tốt hơn rất nhiều so với một người tu hành khổ hạnh. Ông sư với siêu xe sẽ khiến người ta lột bỏ mặt nạ, nhận ra thực tế trong tâm thức mình, nhận ra mình còn lòng tham, còn quá nhiều sự đố kỵ, đó là bước khởi đầu cần thiết. Người ta sẽ không bao giờ loại bỏ được tính xấu nếu người ta không biết hay không thừa nhận tính xấu đó tồn tại trong mình. Cái xe đã làm được nhiều hơn tất cả những bài giảng hay nhất. Trong khi nhà tu hành khổ hạnh kia đơn giản là ru ngủ, là liều thuốc an thần khiến những người theo ông vẫn chìm trong niềm tin sai lầm rằng trong họ đầy phật tính. Không nhận ra mình thì sẽ chẳng bao giờ sửa được mình, làm sao có thể tu.


Thật trùng hợp ngay lúc này chúng ta có thể chứng kiến cả hai bối cảnh đó mà không cần tưởng tượng. Nhà sư với Rolls Royce và vị tỳ kheo khổ hạnh. Nhưng ta cần có một đôi mắt tinh tường để nhận thấy, nhà sư Rolls Royce kia có thực sự dùng sự sang trong và giầu có để lột mặt nạ của những người không thực sự khao khát tâm linh hay chính ông ta bị lột mặt nạ. Tức là ông ấy sử dụng chiếc xe một cách có ý thức như một công cụ để giảng dạy hay chỉ là vô thức mà không lường được hậu quả hay hiệu quả của chúng. Điều này không phức tạp, nó rất dễ để nhận ra.

Một nhà tu hành muốn lấy chiếc xe Rolls Royce như công cụ để khiến phật tử nhận ra sự thật về lòng tham, lòng đố kỵ đang hiện hữu trong chính họ thì sẽ cố tình trưng chiếc xe ra (dù là xe của ông ta hoặc là xe đi mượn) và cố tình giấu đi bằng cấp của mình. Ông ấy sẽ hiện lên như một người bằng cấp không có là bao, tài năng không có gì nổi bật nhưng lại có cuộc sống giầu sang và được trọng vọng, như thế sự đố kỵ của phật tử với ông ta càng lớn và những kẻ đố kỵ ngồi dưới kia dù có che giấu đến đâu cũng sẽ bung mặt nạ. Nhưng nếu một nhà sư cố tình trưng bằng cấp của mình (dù là thật hay giả) và vội vàng giấu đi chiếc xe của mình khi nó được nhìn thấy, thì một điều chắc chắn rằng ông ta không có ý định dùng nó như công cụ để giảng dạy. Việc đó hoàn toàn vô thức, nó là một tai nạn.

Đó là toàn bộ vấn đề! Ván đề rất sáng tỏ và đơn giản nếu có nhận thức, nhận thức không bị bóp méo bởi sự ngưỡng mộ, tôn sùng hay giận dữ, ganh ghét.

Con đường phát triển tâm linh, con đường phật giáo không gì khác là con đường hướng đến nhận thức, thay đổi nhận thức. Và việc đả phá nhà sư đi siêu xe hay bám theo nhà tu hành khổ hạnh, cả hai việc đó không hề liên quan đến việc phát triển nhận thức, phát triển tâm linh, chúng hoàn toàn là những hành động nhằm thỏa mãn lòng tham lam, sự đố kỵ đời thường nhưng cố tình mượn áo phật giáo.

Đội lốt phật pháp mà chửi nhau dù sao cũng có vẻ sang mồm!

Comments